KHO KHÔNG KHÓ MỞ ĐĂNG KÝ DỰ THÍNH CHO 2 PHIÊN THUYẾT TRÌNH VÀ THẢO LUẬN

Bí mật đã được bật mí! Dù số lượng học viên của Kho Không Khó là giới hạn, BTC đã quyết định mở 2 phiên thuyết trình và toạ đàm cho tất cả mọi người có thể đăng ký và đến tham dự.
Lý do là bởi không chỉ mang đến kiến thức và góc nhìn từ các chuyên gia, 2 phiên thuyết trình và toạ đàm được kỳ vọng sẽ trở nên dồi dào và phong phú về mặt thông tin hơn nữa nếu có sự tham gia thảo luận và đóng góp từ tất cả những người quan tâm và đang nỗ lực trong lĩnh vực xây dựng khung phương pháp cho tư liệu hóa và lưu trữ số âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn.
👉 Đăng ký tham dự ngay tại: https://forms.gle/ubDg6HvjiziePRYC7
Địa điểm của cả hai buổi thuyết trình và thảo luận: Long Bien Art Fair – Tầng 2, Trung tâm Thương Mại Mipec Long Biên, Số 2 Long Biên, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
1. Thuyết trình và thảo luận “Định vị âm nhạc, âm thanh và lưu trữ trong bối cảnh rộng hơn” – Chuỗi các bài thuyết trình từ các chuyên gia Việt Nam, kết thúc bằng một phiên thảo luận, đối thoại giữa các diễn giả (10h00 ngày 27/03/2024)
Cụ thể, tham dự buổi thuyết trình và thảo luận này, bạn sẽ được lắng nghe 4 bài chia sẻ về các chủ đề cụ thể đến từ 4 diễn giả tại Việt Nam là:
📌 VẤN ĐỀ TƯ LIỆU HÓA VÀ LƯU TRỮ DỮ LIỆU TẠI VIỆN ÂM NHẠC
Diễn giả: Tiến sĩ Phạm Minh Hương, Viện trưởng Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam
📌 TƯ LIỆU HOÁ ÂM NHẠC VÀ NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM: CHIA SẺ MỘT VÀI KINH NGHIỆM Diễn giả: Tiến sĩ Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
📌 LƯU TRỮ/LƯU NIỆM: VAI TRÒ CỦA TƯ LIỆU HOÁ VÀ LƯU TRỮ ÂM NHẠC VỚI NGHỆ SĨ
Diễn giả: Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Sơn, Nhạc sĩ sáng tác và đa phương tiện
📌 LƯU TRỮ SỐ VỀ DI SẢN, VĂN HOÁ, NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM: HIỆN TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Diễn giả: Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, Giảng viên về Công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội
2. Tọa đàm “Bàn dài”: Bài học, thách thức và hành động về xây dựng khung phương pháp cho số hóa đa dạng chất liệu âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn (10h00 ngày 29/03/2024)
Là phiên cuối cùng của khóa tập huấn “Kho Không Khó”, Tọa đàm “Bàn dài” sẽ tập hợp tất cả những người tham gia, diễn giả, điều phối viên để cùng xem xét và thảo luận về những gì đã trải qua và suy ngẫm về các chủ đề hoặc ý tưởng được nêu ra. Tọa đàm này sử dụng cách tiếp cận bàn dài được phát triển bởi Lois Weaver vào năm 2003.
Đặc biệt nhất, chủ đề của tọa đàm là ‘Bài học kinh nghiệm, thách thức và hành động’ nhưng để phù hợp với phương pháp của Weaver, phiên họp sẽ không cố gắng “kết thúc” chương trình hoặc đưa ra các hành động một cách xác quyết.
Bàn dài là một trong một số phương pháp có thể được sử dụng cho cả nghiên cứu và thảo luận cộng đồng với mục đích tạo ra thảo luận không phân cấp. Điều này cho phép các cuộc đối thoại bất ngờ được xuất hiện, gọi mời các cuộc trò chuyện diễn ra theo các hướng đi khác nhau và mới mẻ.
Một ‘Bàn dài’ hoạt động với một quy tắc đơn giản, giống như một bàn ăn: nói chuyện là hoạt động chính yếu; những người ngồi cùng bàn là khách và bất kỳ ai cũng có thể tham gia (và tham gia lại); không ai điều phối cuộc thảo luận nhưng có một người chủ trì. Cuộc thảo luận, bởi những lẽ đó, cũng sẽ là một màn trình diễn.