KHO KHÔNG KHÓ – TẬP HUẤN XÂY DỰNG KHUNG PHƯƠNG PHÁP CHO TƯ LIỆU HÓA VÀ LƯU TRỮ SỐ ÂM NHẠC VÀ NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

Lưu trữ, tư liệu hóa âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn là những khía cạnh quan trọng nhưng vẫn ít được chú ý trong quá trình nghiên cứu và thực hành âm nhạc, văn hóa, nghệ thuật, di sản tại Việt Nam. Ở “KHO KHÔNG KHÓ”, chúng tôi mong muốn giới thiệu các công cụ kỹ thuật của các phương pháp lưu trữ âm nhạc & nghệ thuật biểu diễn, trở thành cầu nối giữa các nhà nghiên cứu và nhạc sĩ Việt Nam nhằm cùng nhau khám phá các phương pháp lưu trữ; và xây dựng khả năng nghiên cứu then chốt nhằm xây dựng kho lưu trữ văn hoá Việt Nam đa dạng.
“KHO KHÔNG KHÓ” là khoá tập huấn ngắn ngày do trường đại học Queen’s University Belfast, Anh Quốc tài trợ, với đối tác chính là Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm tại Việt Nam đồng hành bởi đối tác địa phương là Viện Âm nhạc – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Khoá tập huấn hướng tới góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản âm nhạc và văn hoá truyền thống cũng như đương đại, thúc đẩy sự phát triển của nghiên cứu âm nhạc, văn hoá, nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, cũng như phát triển các mối quan hệ đối tác trong nước và quốc tế.
Với gần 40 người tham gia, tập huấn đã đi qua 3.5 ngày với những nội dung đầy bổ ích và thú vị. Thật may mắn khi Kho Không Khó bắt đầu bằng những ngày rất đẹp trời ở Hà Nội. Ngày đầu tiên tập huấn diễn ra với phần khai mạc và giới thiệu từ Giáo sư Franziska Schroeder từ Đại học Queen’s Belfast University và Nhạc sĩ Trần Kim Ngọc, người sáng lập Domdom. Nội dung nổi bật xuyên suốt ngày là đi bộ nghiên cứu trong môi trường đô thị, mà ở đó người tham gia đã tiến hành thu thập dữ liệu theo nhóm, ghi lại âm thanh, các cuộc phỏng vấn ngắn và thực hiện cảnh quay trực quan về đường phố Hà Nội. Với những chất liệu giàu có đó, mỗi nhóm làm việc với những chất liệu của riêng mình và tạo lập một tấm bản đồ.
Chuyến xe Kho Không Khó tiếp tục lăn bánh tới ngày thứ hai với những thảo luận sôi nổi về định vị âm nhạc, âm thanh và lưu trữ trong bối cảnh Việt Nam và thế giới. Ngày thứ hai của tập huấn nổi bật với bài chia sẻ của các khách mời là các chuyên gia, nhà thực hành về lưu trữ, tài liệu hóa âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn là Tiến sĩ Phạm Minh Hương, Tiến sĩ Kiều Trung Sơn, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn và Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê.
Các học viên cũng được tích lũy thêm những kiến thức và công cụ qua Workshop “Lập bản đồ để hiểu về quyền lực và sự đại diện trong âm nhạc và lưu trữ”, bên cạnh đó chuẩn bị cho chuyến đi thực địa tới Bắc Ninh bằng cách học hỏi về thuật ngữ/khái niệm căn bản và các phương pháp nghiên cứu dân tộc học.
Hành trình của Kho Không Khó dần tiến về đích với dấu ấn là chuyến đi điền dã tới Bắc Ninh để thực hành lưu trữ và tư liệu hóa quan họ Bắc Ninh. Là một nội dung quan trọng trong toàn bộ quy mô tập huấn, chuyến đi thực tế là nơi các học viên học hỏi quan sát, học hỏi và trải nghiệm thực hành văn hóa hát quan họ trong môi trường tự nhiên và sống động nhất của nó. Các thành viên Kho Không Khó đã cùng nhau: Xem và thực hành làm tư liệu điền dã “Quan họ Bắc Ninh” tại Bắc Ninh, ăn trưa & giao lưu nghệ nhân quan họ, phỏng vấn theo nhóm dựa trên phương pháp nghiên cứu dân tộc học và trải nghiệm hát giã bạn & ra về.
Ngày cuối cùng của tập huấn Kho Không Khó đã khép lại với cuộc thảo luận “bàn dài” ấn tượng. Là phiên cuối cùng của khóa tập huấn “Kho Không Khó”, tọa đàm “Bàn dài” tập hợp tất cả những người tham gia, diễn giả, điều phối viên để cùng xem xét và thảo luận về những gì đã trải qua và suy ngẫm về các chủ đề hoặc ý tưởng được nêu ra.
“Bàn dài” đã gói gọn lại Kho Không Khó, không phải theo một cách đóng hay như một dấu chấm hết, mà tựa như một cái kết mở, gọi mời sự nối tiếp và kéo dài của những thảo luận, câu hỏi về lưu trữ và tài liệu hóa. Hy vọng những thành viên của Kho Không Khó sẽ là những người tiếp tục đưa tri thức và trải nghiệm của tập huấn đi tới khắp nẻo đường thực hành, nghiên cứu trong lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn trong và ngoài nước.
Chúng tôi xin dành lời cảm ơn trân trọng nhất tới các chuyên gia đến từ Đại học Queen’s University Belfast là Giáo sư Franziska Schroeder, Giáo sư Maruška Svašek và Tiến sĩ Ali FitzGibbon vì đã đồng hành kiến tạo Kho Không Khó từ những ngày đầu. Tập huấn cũng không thể thành công trọn vẹn với độ dày dặn và phong phú về kiến thức nếu không có sự đóng góp to lớn từ các chuyên gia trong nước là Tiến sĩ Phạm Minh Hương, Tiến sĩ Kiều Trung Sơn, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn (SonX) và Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê.
Kho Không Khó xin cảm ơn tất cả học viên vì sự tham gia tích cực và nhiệt tình với tập huấn. Mong rằng những dự án tiếp theo của Domdom vẫn sẽ nhận sự quan tâm, góp ý từ tất cả các bạn để trở nên hoàn thiện hơn nữa!